Xét về các phương pháp đóng tủ, tủ được chia thành hai loại chính – Tủ có khung mặt và tủ không khung. Sự khác biệt giữa hai loại này là gì, hãy cùng tìm hiểu chi tiết dưới đây.
- Tủ có khung mặt - framed cabinets: Đây là kiểu tủ truyền thống phổ biến ở Mỹ. Trong kết cấu tủ này, các thanh đỡ tạo thành một khung mặt dày 1-1 / 2 inch ở mặt trước của hộc tủ, tạo thêm kích thước cho mặt trước của tủ. Các cánh tủ được gắn vào khung bằng bản lề, giúp tủ có độ bền và chắc chắn. Khung mặt cho phép lắp đặt, điều chỉnh, tuỳ chỉnh kích thước, kiểu dáng cửa / ngăn kéo dễ dàng hơn. Cánh cửa có thể được lắp đặt phủ một phần và toàn bộ, hoặc lọt lòng so với khung tủ, mang đến cho bạn nhiều khả năng thiết kế, tạo ra vẻ ngoài cổ điển, truyền thống và sự linh hoạt trong phong cách, vì tủ có khung có thể chấp nhận vô số kiểu cửa và ngăn kéo.
- Tủ không khung – frameless cabinets: Phong cách này mang lại kiểu dáng đẹp hơn, hiện đại hơn, được ưa chuộng ở Châu Âu. Tủ không khung có sức chứa hộc, ngăn kéo lớn hơn bằng cách loại bỏ khung mặt. Với kết cấu tủ không khung, các cạnh của cửa/ngăn kéo gần như phẳng với mặt tủ tạo ra kiểu dáng gọn nhẹ và đẹp liền lạc trong nhà bếp. Tủ không khung thường dựa vào cấu tạo hộc dày hơn để tạo sự ổn định. Bản lề được gắn trực tiếp vào các thành bên của hộc tủ. Ngăn kéo và cánh cửa dễ dàng tháo lắp. Nhưng đối với tủ không khung, sẽ có ít tuỳ biến về kích thước hoặc sửa đổi về cánh tủ/ngăn tủ do kết cấu tủ được sản xuất hoàn thiện sẵn tại xưởng.
Tủ có khung mặt từng là kiểu tủ phổ biến nhất ở Mỹ, nhưng những năm gần đây, tủ không khung dần nổi lên với mức độ phổ biến gần như ngang nhau tại Mỹ. Tủ không khung có thể là sự lựa chọn hoàn hảo hơn nhờ những lợi thế về chức năng, lắp ráp và có thể được sử dụng trong thiết kế truyền thống cũng như thiết kế hiện đại. Tại Việt Nam, các nhà sản xuất tủ ngày nay đóng tủ theo kết cấu không khung của Châu Âu là chủ yếu.